Viêm da cơ địa là một chứng viêm da, ngứa mãn tính. Bệnh lý này có thể đi kèm với các bệnh cơ địa khác như hen suyễn, sốt cỏ khô hay viêm mũi dị ứng... Các triệu chứng của viêm da cơ địa thường khởi phát rất sớm, ngay từ tuổi sơ sinh, có thể tiếp tục đến lúc trưởng thành hoặc cũng có thể xuất hiện bất cứ thời điểm nào trong đời.
1. Làm thế nào để nhận biết viêm da cơ địa?
Viêm da cơ địa có thể ảnh hưởng đến bất kỳ vùng da nào nhưng thường gặp là vùng bàn tay và các nếp gấp (gấp khoeo chân, gấp khuỷu tay...). Các triệu chứng rầm rộ từng đợt rồi thuyên giảm và sau một thời gian sẽ lặp lại. Chính vì vậy, bệnh lý này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng cuộc sống, làm người bệnh mệt mỏi và khó chịu.
Viêm da cơ địa - bệnh lý thường gặp của rất nhiều người
Viêm da cơ địa thường tiến triển thành từng đợt, trong đợt cấp tính, người bệnh thấy một vùng da nổi mẩn đỏ và ngứa. Mức độ ngứa đôi khi rất nghiêm trọng, đặc biệt là vào ban đêm khiến người bệnh mất ngủ. Khi bệnh lui dần, vùng da sẽ chuyển sang màu nâu, xám, hoặc để lại các mảng dày da do chà xát nhiều.
Do ngứa nhiều người bệnh phải gãi, vùng da bệnh rất dễ bị trầy xước, có thể bị nhiễm trùng, tổn thương sẽ sưng viêm, tiết mủ đục, có mùi hôi. Tình trạng ngứa mạn tính và việc chà xát kéo dài sẽ khiến da dày lên. Đặc điểm da của người bệnh viêm da cơ địa thường khô, nứt nẻ.
2. Nguyên nhân gì gây viêm da cơ địa?
Viêm da cơ địa là một bệnh dị ứng, miễn dịch có tính gia đình. Nguyên nhân chính xác của viêm da cơ địa cho đến nay vẫn chưa thật rõ ràng. Một số giả thiết cho rằng do da quá khô và dễ bị kích thích, đồng thời, những rối loạn trong hệ thống miễn dịch bẩm sinh cũng có thể gây nổi mẩn ngứa trên da. Theo đó, tình trạng này có thể khởi phát sớm từ tuổi sơ sinh cũng như sẽ gặp nhiều trong gia đình có các thành viên có bệnh hen suyễn, viêm mũi dị ứng...
Viêm da cơ địa là bệnh dị ứng và thường có tính gia đình
Một số yếu tố khác được cho là làm tình trạng viêm da dễ khởi phát hơn hay làm những triệu chứng nặng nề hơn như tắm nước nóng hoặc tắm quá lâu, thay đổi xà phòng, thay đổi nhiệt độ, bài tiết mồ hôi, môi trường có độ ẩm thấp, mặc quần áo lông cừu hoặc vải nhân tạo, len dạ, , tiếp xúc bụi bặm, lông động vật, khói thuốc lá hay ăn một số loại thực phẩm dễ bị dị ứng như trứng, sữa, cá, đậu nành hay lúa mì... Nói chung, để tìm kiếm nguyên nhân đôi khi cần phải thực hiện các xét nghiệm rất chuyên sâu nhưng cũng không phải lúc nào cũng xác định được. Do đó, người bệnh thường được khuyến cáo nên tránh các yếu tố dễ gây kích thích như đã liệt kê, nhằm hạn chế khả năng khởi phát bệnh.
3. Viêm da cơ địa có nguy hiểm không?
Do viêm da cơ địa biểu hiện thành từng đợt sau đó tự thuyên giảm, với thể nhẹ đa số không gây ra biến chứng nguy hiểm. Tuy nhiên, nếu người bệnh bị ngứa và phải gãi nhiều, móng tay dài, nhọn và kém vệ sinh có thể gây nhiễm trùng da. Cấu trúc vùng da bị phá vỡ, lở loét và vết nứt da bị lây nhiễm bởi chủng vi sinh vật thường trú trên da hay cả vi khuẩn ngoại lai. Do đó, khi vết thương trên da lành lặn trở lại có thể để lại sẹo xấu, gây mất thẩm mỹ.
Viêm da cơ địa gây mất thẩm mỹ
Trường hợp bị bội nhiễm thêm virus gây hội chứng Kaposi-juliusberg (hay eczema herpeticum) khá nặng nề, biểu hiện có sốt, mệt mỏi, mụn nước trên da, tổn thương nội tạng... tỉ lệ tử vong từ 1-9%.
Ngoài ra, do bệnh lý mạn tính kéo dài nhiều năm, nếu điều trị sai, lạm dụng các thuốc bôi hoặc uống có Corticoid có thể dẫn đến tình trạng đỏ da toàn thân. Toàn thân người bệnh đỏ, có thể có những đợt sốt, rét run, ngứa thường xuyên...
Viêm da cơ địa ở vùng da xung quanh mắt làm cho người bệnh khó chịu, ngứa, da quanh mắt thâm do gãi thường xuyên ảnh hưởng đến thẩm mĩ. Do gãi nhiều gây các vết xước trên da có thể nhiễm trùng . Các biến chứng mắt bao gồm chảy nước mắt liên tục, viêm mí mắt và viêm kết mạc. Nếu nghi ngờ biến chứng mắt, cần đến khám bác sĩ càng sớm càng tốt.
4. Làm gì khi mắc viêm da cơ địa?
Khi có các dấu hiệu nghi ngờ viêm da cơ địa như đã trình bày, nên đến thăm khám chuyên khoa Da liễu để xác định bệnh cũng như loại trừ các chẩn đoán khác. Khi đi khám, nên cho bác sĩ biết các dấu hiệu khó chịu như thế nào, bệnh bắt đầu diễn ra và kéo dài bao lâu.
Mắc viêm da cơ địa bạn nên đi thăm khám để được kê đúng thuốc đúng bệnh
Ngoài ra, cũng cần nêu lên bất kỳ yếu tố nào cho rằng làm khởi phát bệnh, như thay đổi thời tiết, dùng xà phòng, ra mồ hôi, khói thuốc lá... Bên cạnh đó, bác sĩ cũng cần biết bạn có dị ứng thức ăn hay có bệnh lý dị ứng nào hay không, gia đình có ai bệnh tương tự hay không.
5. Cách chữa viêm da cơ địa như thế nào?
Mục đích điều trị viêm da cơ địa là để giảm viêm, giảm ngứa và ngăn chặn các cơn bùng phát trong tương lai, tránh biến chứng. Theo đó, các loại thuốc thường được bác sĩ chỉ định chi tiết như sau:
Kem chống ngứa: Dùng bôi vào vùng da có triệu chứng. Tuy nhiên, nếu bệnh nhân bị ngứa quá nặng và ảnh hưởng đến sinh hoạt, đôi khi phải cần đến thuốc kháng histamine đường uống. Với các thuốc chống dị ứng gây buồn ngủ, bác sĩ thường kê cho uống buổi tối.
Kem dưỡng ẩm: Phối hợp với kem chống ngứa làm giảm thiểu triệu chứng khó chịu. Ngoài những cơn cấp, cần thường xuyên dưỡng ẩm da, mềm da khi thời tiết lạnh và khô, tránh để da nứt nẻ sẽ làm dễ gây ngứa.
Dùng những sản phẩm thuốc phù hợp giúp giảm thiểu tình trạng bệnh viêm da cơ địa
Kem kháng viêm: Hạn chế phản ứng viêm tại chỗ quá mức khiến triệu chứng thuyên giảm hơn, da bớt mẩn đỏ, sưng, ngứa. Tuy nhiên, nên hạn chế bôi kem kháng viêm khi đã bớt ngứa và tăng cường các liệu pháp tự chăm sóc khác như làm ẩm da, mềm da cũng giúp kiểm soát viêm da cơ địa mức độ nhẹ thay vì dùng thuốc. Vì nếu dùng kéo dài kèm kháng viêm sẽ gây tác dụng phụ như làm đổi màu da, mỏng da, mọc lông và dễ làm da nhiễm trùng hơn. Các kem kháng viêm có corticoid chỉ nên sử dụng khi có chỉ định của bác sĩ, tùy vào tính chất tổn thương, bác sĩ sẽ kê dạng hoạt chất từ nhẹ đến nặng.
Kháng sinh: Trong trường hợp người bệnh có nhiễm trùng da thì việc điều trị cần bổ sung thêm kháng sinh trong một thời gian ngắn để điều trị nhiễm trùng. Đồng thời, nếu vết thương hở và chảy dịch, người bệnh cần đắp gạc, vệ sinh và thay băng mỗi ngày để tránh bội nhiễm.
Kem dưỡng ẩm da, mềm da khi thời tiết lạnh và khô, tránh để da nứt nẻ sẽ làm dễ gây ngứa
Hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát: Nhiều bệnh nhân lo lắng viêm da cơ địa có lây không vì sợ đã bị lây từ người khác hay lo ngại sẽ lây cho người thân trong gia đình. Tuy nhiên, bệnh do cơ địa của từng người nên hoàn toàn không lây nhiễm.
Theo đó, việc cần làm là hạn chế các yếu tố kích thích bệnh khởi phát:
- Tránh thức ăn dễ gây dị ứng, vệ sinh nhà cửa, giặt giũ chăn, gối, nệm, thảm và màn cửa thường xuyên, tránh khói thuốc lá và môi trường bụi bặm.
- Tắm không quá lâu; mỗi lần tắm, giới hạn trong 15 - 20 phút và sử dụng nước ấm hơn là nước nóng.
- Nên dùng một loại nước hoa, xà phòng cố định và có tính tẩy rửa nhẹ nhàng; nếu muốn thay đổi, nên thử trên một vùng da mỏng trước để xem có gây kích ứng hay không.
- Hạn chế gãi da đến mức tối thiểu; đối với trẻ nhỏ, cần cắt móng tay và đeo găng tay vào ban đêm.
- Khi trời nóng, cần mặc quần áo thoáng mát. Khi trời lạnh và khô, cần dưỡng da với các loại kem, sáp giữ ẩm. Uống đủ nước.
Các biện pháp điều trị khác: Liệu pháp miễn dịch đang từng bước ứng dụng trong điều trị viêm da cơ địa nói riêng và các bệnh do rối loạn miễn dịch khác nói chung. Tuy nhiên, hiệu quả về lâu dài cũng như tính an toàn của các nhóm thuốc này vẫn chưa rõ ràng nên chỉ được chấp thuận cho trẻ em trên 2 tuổi và cho người lớn. Đồng thời, phương cách này chỉ được sử dụng khi phương pháp điều trị khác đã thất bại hoặc hoàn toàn không dung nạp được.
Quang tuyến trị liệu: Phương pháp này cũng đã cho thấy những kết quả tích cực, điều chỉnh các rối loạn trong và ngay dưới cấu trúc da; tuy nhiên, khả năng áp dụng rộng rãi đang cần nghiên cứu thêm, bởi có một số bằng chứng cho thấy gây lão hóa da sớm cũng như tăng nguy cơ ung thư da.
Để được tư vấn về các sản phẩm thuốc phù hợp với tình trạng bệnh, quý khách vui lòng liên hệ với nhà thuốc Thanh Xuân để được hỗ trợ giải đáp nhanh nhất nhé!