Muslexan 4 chỉ định trong trường hợp co cứng cơ liên quan đa xơ cứng, bệnh lý hoặc tổn thương tủy sống, đau do co cơ.
1. Thuốc Muslexan 4 là thuốc gì?
Tizanidin là chất làm giãn cơ xương, tác động chính ở tủy sống, bằng cách kích thích thụ thể α2 tiền synap, làm ức chế giải phóng các amino acid hoạt động – các chất kích thích thụ thể N-methyl-D-aspatat (NMDA). Sự dẫn truyền qua nhiều synap ở nơron trong tủy sống gây trương lực cơ quá mức
Thuốc được sản xuất bưởi công ty TNHH Liên doanh Hasan - Dermapharm - Việt Nam, được chỉ định trong trường hợp co cứng cơ liên quan đa xơ cứng, bệnh lý hoặc tổn thương tủy sống, đau do co cơ.
2. Thành phần thuốc Muslexan 4
Thành phần mỗi viên nang chứa:
Tizanidin hydroclorid ……………… 4,58 mg (tương đương tizanidin 4,00 mg).
3. Dạng bào chế
Viên nang cứng, cỡ nang số 3, nắp nang và thân nang màu trắng, bên trong có chứa bột thuốc màu trắng. Viên bóng đẹp, lành lặn, vỏ nang không móp méo.
4. Chỉ định
Thuốc Muslexan 4 được chỉ định trong trường hợp:
- Co cứng cơ liên quan đến đa xơ cứng, bệnh lý hoặc tổn thương tủy sống.
- Đau do co cơ.
5. Liều dùng và cách dùng
Liều lượng
Sử dụng viên có hàm lượng phù hợp.
Tác dụng của tizanidin đạt tối đa trong 2 – 3 giờ sau khi dùng thuốc và duy trì tác dụng trong thời gian tương đối ngắn. Vì vậy, cần xác định thời gian và chế độ liều cho từng bệnh nhân, và tizanidin nên được chia liều (có thể 3– 4 lần/ngày) tùy thuộc vào nhu cầu của bệnh nhân. Cần thận trọng không dùng quá liều có hiệu quả điều trị mong muốn.
Người lớn:
Co cứng cơ: Liều khởi đầu khuyến cáo là 2 mg/ngày, có thể tăng từng bước 2 mg trong ít nhất 1/2 tuần cho đến khi giảm được co cứng cơ xương. Đáp ứng điều trị tối ưu thường đạt được với liều 12 – 24 mg/ngày, chia 3 – 4 lần (mỗi 6 – 8 giờ). Không dùng quá 12 mg/lần. Tổng liều hàng ngày không được quá 36 mg.
Đau do co cơ: Uống 2 – 4 mg/lần x 3 lần/ngày.
Liều lượng ở một số đối tượng lâm sàng đặc biệt:
Người cao tuổi: Kinh nghiệm sử dụng tizanidin ở người cao tuổi còn hạn chế, không khuyến cáo sử dụng trừ khi lợi ích của việc điều trị vượt trội hơn so với nguy cơ. Dữ liệu dược động học cho thấy trong một số trường hợp, độ thanh thải thận ở người cao tuổi có thể giảm đáng kể, vì vậy cần thận trọng khi sử dụng tizanidin.
Trẻ em: Kinh nghiệm sử dụng tizanidin ở trẻ em dưới 18 tuổi còn hạn chế, không khuyến cáo sử dụng thuốc cho đối tượng này.
Suy thận: Ở bệnh nhân suy thận (ClCr < 25 mL/phút) nên bắt đầu điều trị với liều 2 mg/lần/ngày và điều chỉnh dần để đạt được liều có hiệu quả điều trị. Liều dùng không được tăng quá 2 mg/lần tùy thuộc vào mức độ dung nạp của bệnh nhân và hiệu quả điều trị. Nếu hiệu quả được cải thiện, nên tăng dần liều dùng 1 lần/ngày trước khi tăng số lần dùng thuốc. Chức năng thận nên được theo dõi thích hợp ở bệnh nhân suy thận.
Suy gan: Tizanidin cần được dùng thận trọng ở bệnh nhân suy gan, giảm liều 1 lần/ngày và nếu cần dùng liều cao hơn thì nên tăng liều 1 lần/ngày trước khi tăng số lần dùng thuốc trong 1 ngày. Khuyến cáo giám sát nồng độ aminotransferase ban đầu và 1 tháng sau khi đạt liều tối đa hoặc khi nghi ngờ có tổn thương gan. Chống chỉ định dùng tizanidin cho bệnh nhân suy gan nặng.
Cách dùng
Dùng đường uống, có thể dùng trong hoặc ngoài bữa ăn nhưng không được chuyển qua lại giữa hai thời điểm dùng thuốc do sự thay đổi này có thể dẫn tới làm tăng tác dụng không mong muốn, làm chậm hoặc đẩy nhanh thời gian có tác dụng điều trị.
Nếu cần ngưng điều trị với tizanidin, đặc biệt ở bệnh nhân dùng liều cao trong thời gian dài, liều dùng nên được giảm dần (xem thêm mục Cảnh báo và thận trọng) .
Nếu quên uống một hoặc nhiều viên thuốc, uống liều tiếp theo như bình thường. Không uống liều gấp đôi để bù cho liều đã quên.
Không có yêu cầu đặc biệt về xử lý thuốc sau khi sử dụng.
Không nên vứt bỏ thuốc vào nước thải hay rác sinh hoạt. Hỏi ý kiến dược sỹ cách bỏ thuốc không sử dụng nữa. Biện pháp này sẽ giúp bảo vệ môi trường.
6. Chống chỉ định
Quá mẫn với tizanidin hoặc bất kỳ thành phần nào của thuốc.
Phối hợp với chất ức chế mạnh CYP 1A2 như ciprofloxacin, fluvoxamin.
Suy gan nặng.
7. Tác dụng phụ
Tác dụng không mong muốn được phân nhóm theo tần suất: rất thường gặp (ADR ≥ 1/10), thường gặp (1/100 ≤ ADR < 1/10), ít gặp (1/1.000 ≤ ADR < 1/100), hiếm gặp (1/10.000 ≤ ADR < 1/1.000) và rất hiếm gặp (ADR < 1/10.000) và không rõ tần suất (tần suất không ước tính được từ dữ liệu sẵn có).
Hệ miễn dịch: Phản ứng quá mẫn, bao gồm cả sốc phản vệ, phù mạch và nổi mày đay (không rõ tần suất).
Tâm thần: Mất ngủ, rối loạn giấc ngủ (thường gặp). Ảo giác (hiếm gặp). Rối loạn tâm thần do lo lắng dai dẳng; trạng thái hỗn loạn, nhầm lẫn (không rõ tần suất).
Thần kinh: Buồn ngủ, chóng mặt (thường gặp). Đau đầu, rối loạn vận ngôn (không rõ tần suất).
Mắt: Nhìn mờ, rối loạn điều tiết mắt (không rõ tần suất).
Tim: Nhịp tim chậm, nhịp tim nhanh (thường gặp). Kéo dài khoảng QT đã được báo cáo trong giám sát hậu mãi (không rõ tần suất).
Mạch: Hạ huyết áp, tăng huyết áp dội ngược (thường gặp). Ngất (không rõ tần suất).
Tiêu hóa: Rối loạn tiêu hóa, mất cảm giác thèm ăn, khô miệng (rất thường gặp). Buồn nôn (thường gặp). Đau bụng, nôn (không rõ tần suất).
Gan: Suy gan, viêm gan (rất hiếm gặp).
Da và mô dưới da: Phát ban, đỏ, ngứa, viêm da (không rõ tần suất).
Cơ xương và mô liên kết: Yếu cơ (rất thường gặp). Mất điều hòa (không rõ tần suất).
Tác dụng không mong muốn khác: Mệt mỏi (thường gặp). Suy nhược, hội chứng cai thuốc (không rõ tần suất).
Xét nghiệm: Hạ huyết áp, tăng transaminase (thường gặp).
Hội chứng cai thuốc: Khi ngưng thuốc đột ngột sau một thời gian dài sử dụng, và/ hoặc sử dụng liều cao, và/ hoặc phối hợp với thuốc giảm đau gây nghiện gây nên tác dụng không mong muốn là: tăng nhịp tim nhanh và tăng huyết áp dội ngược. Một số trường hợp nghiêm trọng, tăng huyết áp dội ngược có thể dẫn đến tai biến mạch máu não.
Hướng dẫn xử trí các tác dụng không mong muốn:
Để hạn chế tác dụng không mong muốn của thuốc như buồn ngủ, mệt mỏi, chóng mặt, khô miệng, buồn nôn, rối loạn tiêu hóa và hạ huyết áp, cần khởi đầu với liều thấp nhất sau đó tăng dần đến liều hiệu quả mà bệnh nhân còn dung nạp được. Ít khi phải ngừng thuốc. Ảo giác tự hết, không có biểu hiện của bệnh tâm thần và thường xảy ra khi dùng đồng thời với các thuốc chống trầm cảm. Aminotransferase tăng nhất thời, khi ngưng thuốc sẽ trở lại bình thường. Yếu cơ đôi khi được báo cáo nhưng thường không gây giảm trương lực cơ.
Cần theo dõi chặt chẽ biểu hiện trên huyết áp trước khi tăng liều để tránh nguy cơ hạ huyết áp. Thận trọng khi thay đổi tư thế đột ngột từ nằm hoặc ngồi sang tư thế đứng thẳng.
Đối với người suy thận, cần theo dõi chặt chẽ các tác dụng không mong muốn để tránh nguy cơ quá liều và cần theo dõi chức năng thận của bệnh nhân.
Thông báo cho bác sĩ các tác dụng không mong muốn bạn gặp phải khi sử dụng thuốc.
8. Tương tác thuốc.
Chất ức chế CYP 1A2: Phối hợp tizanidin với các thuốc ức chế CYP 1A2 có thể làm tăng nồng độ tizanidin trong huyết tương. Chống chỉ định dùng kết hợp tizanidin với fluvoxamin hoặc ciprofloxacin vì làm tăng lần lượt AUC của tizanidin lên 33 lần và 10 lần, tăng Cmax lên 12 lần và 7 lần. Hạ huyết áp nặng và kéo dài có thể dẫn tới tình trạng lơ mơ buồn ngủ, chóng mặt và giảm hoạt động thần kinh. Không khuyến cáo phối hợp tizanidin với các thuốc ức chế CYP 1A2 khác như thuốc chống loạn nhịp (amiodaron, mexiletin, propafenon), cimetidin, famotidin, một số fluoroquinolon (enoxacin, pefloxacin, norfloxacin), rofecoxib, thuốc tránh thai đường uống và ticlopidin.
Tăng nồng độ tizanidin trong huyết tương có thể dẫn tới các triệu chứng quá liều như kéo dài khoảng QT. Không khuyến cáo phối hợp tizanidin (liều cao) với các thuốc khác có thể gây kéo dài khoảng QT. Theo dõi điện tâm đồ (ECG) khi cần thiết.
Chất cảm ứng CYP 1A2: Phối hợp tizanidin với các thuốc cảm ứng CYP 1A2 có thể làm giảm nồng độ tizanidin trong huyết tương và làm giảm tác dụng điều trị của tizanidin. Rifampicin làm giảm 50% nồng độ tizanidin. Tương tác này có thể có ý nghĩa lâm sàng ở một số bệnh nhân, nên tránh sử dụng kết hợp trong thời gian dài. Nếu cần thiết điều trị kết hợp, có thể phải điều chỉnh liều của tizanidin.
Thuốc điều trị tăng huyết áp: Do tizanidin có thể làm hạ huyết áp nên có thể làm tăng tác dụng của thuốc điều trị tăng huyết áp, kể cả thuốc lợi tiểu. Cần thận trọng khi dùng tizanidin ở bệnh nhân đang dùng các thuốc điều trị tăng huyết áp, thuốc chẹn β-adrenergic hoặc digoxin vì có thể làm tụt huyết áp hoặc làm chậm nhịp tim. Ở một số bệnh nhân đang dùng đồng thời tizanidin với các thuốc điều trị tăng huyết áp, cho thấy có tăng nhịp tim và tăng huyết áp dội ngược khi ngưng thuốc đột ngột. Trong trường hợp nghiêm trọng, tăng huyết áp dội ngược có thể dẫn tới tai biến mạch máu não.
Thuốc tránh thai đường uống: Dữ liệu dược động học khi dùng liều đơn và đa liều tizanidin cho thấy thanh thải của tizanidin giảm đi khoảng 50% ở phụ nữ dùng đồng thời với thuốc tránh thai đường uống. Mặc dù không có nghiên cứu dược động học riêng biệt được tiến hành để đánh giá tương tác có thể xảy ra giữa thuốc tránh thai đường uống và tizanidin, nhưng có thể có đáp ứng lâm sàng và/ hoặc tác dụng không mong muốn xảy ra ở liều tizanidin thấp hơn khi phối hợp với thuốc tránh thai đường uống. Tương tác có ý nghĩa lâm sàng đáng kể chưa được báo cáo trong các thử nghiệm lâm sàng.
Thuốc giãn cơ: Kết hợp tizanidin với các thuốc giãn cơ khác có thể tăng cường hiệu quả lẫn nhau.
Acetaminophen: Tizanidin làm chậm Tmax của acetaminophen 16 lần.
Rượu và thuốc ức chế thần kinh trung ương (dẫn chất benzodiazepin, opioid, chống trầm cảm 3 vòng): Có thể làm tăng tác dụng an thần của tizanidin gây trở ngại cho hoạt động hằng ngày. Rượu làm tăng AUC và Cmax của tizanidin khoảng 20% và 15%. Cần theo dõi các triệu chứng an thần quá mức ở bệnh nhân phối hợp tizanidin với các thuốc ức chế thần kinh trung ương.
Thuốc lá: Hút thuốc (> 10 điếu/ngày) làm giảm 30% phơi nhiễm tizanidin toàn thân.
9. Thận trọng khi sử dụng
Chất ức chế CYP: Không khuyến cáo phối hợp tizanidin với các chất ức chế CYP 1A2 (xem mục Tương tác).
Tụt huyết áp: Tụt huyết áp có thể xảy ra trong quá trình điều trị với tizanidin và cũng là hậu quả của tương tác thuốc với chất ức chế CYP 1A2 và/ hoặc thuốc điều trị tăng huyết áp. Bệnh nhân có thể bị tụt huyết áp tâm thu hoặc tâm trương. Thay đổi tư thế đột ngột có thể làm tăng nguy cơ hạ huyết áp tư thế đứng. Biểu hiện nghiêm trọng của tụt huyết áp như mất ý thức, trụy tim mạch đã được quan sát thấy. Nguy cơ của tụt huyết áp có thể giảm bằng cách điều chỉnh liều và lưu ý đến các dấu hiệu cũng như triệu chứng của tụt huyết áp. Theo dõi dấu hiệu/ triệu chứng của tụt huyết áp khi sử dụng tizanidin với các thuốc điều trị tăng huyết áp, không khuyến cáo dùng cùng với thuốc chủ vận α2-adrenergic khác. Chống chỉ định kết hợp tizanidin với fluvoxamin hoặc ciprofloxacin, các chất ức chế mạnh CYP 1A2.
Sốc phản vệ: Tizanidin có thể gây sốc phản vệ với các triệu chứng như suy hô hấp, mày đay, phù mạch ở họng và lưỡi. Bệnh nhân cần được thông báo về các dấu hiệu và triệu chứng của phản ứng dị ứng trầm trọng, ngưng thuốc và gặp bác sỹ ngay khi có các dấu hiệu/ triệu chứng này.
Hội chứng cai thuốc: Tăng nhịp tim và tăng huyết áp dội ngược đã được quan sát sau khi ngưng điều trị với tizanidin đột ngột, khi thuốc được dùng trong thời gian dài (≥ 9 tháng), và/ hoặc dùng liều cao (20 – 28 mg/ngày), và/ hoặc phối hợp với các thuốc giảm đau gây nghiện. Trong trường hợp nặng, tăng huyết áp dội ngược có thể dẫn đến tai biến mạch máu não. Vì vậy không được ngưng thuốc đột ngột mà phải giảm liều từ từ (2 – 4 mg/ngày).
Suy thận: Cần điều chỉnh liều cho bệnh nhân suy thận (ClCr < 25 mL/phút) (xem thêm mục Liều lượng ở một số đối tượng lâm sàng đặc biệt). Cần giám sát chặt chẽ do tác dụng không mong muốn thường gặp có thể xuất hiện hoặc tăng mức độ nghiêm trọng (như khô miệng, buồn ngủ, suy nhược và chóng mặt).
Rối loạn tim mạch, gan, thận: Thận trọng khi sử dụng thuốc cho bệnh nhân có bệnh tim mạch, bệnh động mạch vành, bệnh gan hoặc bệnh thận. Thường xuyên kiểm tra điện tâm đồ (ECG) và xét nghiệm lâm sàng trong quá trình điều trị với tizanidin.
Rối loạn chức năng gan: Rối loạn chức năng gan được báo cáo là có liên quan đến tizanidin (mặc dù hiếm gặp) với liều hàng ngày lên đến 12 mg. Khuyến cáo kiểm tra chức năng gan hàng tháng trong 4 tháng đầu điều trị ở bệnh nhân được dùng liều ≥ 12 mg/ngày và ở bệnh nhân có triệu chứng lâm sàng của rối loạn chức năng gan như nôn không rõ nguyên nhân, chán ăn hoặc mệt mỏi. Ngưng điều trị nếu nồng độ SGPT và/ hoặc SGOT huyết thanh liên tục > 3 lần giới hạn trên bình thường; nếu bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng của viêm gan hoặc vàng da.
Nhược cơ: Bệnh nhân bị nhược cơ (cơ lưỡi, cơ nhai, cơ nuốt cũng như mí mắt) chỉ nên dùng thuốc sau khi cân nhắc cẩn thận giữa nguy cơ và lợi ích.
Động kinh: Bệnh nhân động kinh có thể được chỉ định dùng tizanidin nếu được chuẩn bị liệu pháp chống co giật tối ưu.
An thần: Tizanidin có thể gây an thần, ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày. Trong những nghiên cứu đa liều, tỷ lệ bệnh nhân gặp tác dụng an thần đạt cao nhất sau tuần đầu tiên và duy trì trong pha duy trì của nghiên cứu. Tác dụng ức chế thần kinh trung ương cộng hợp khi phối hợp với rượu hay những thuốc ức chế thần kinh trung ương khác (benzodiazepin, opioid, trầm cảm 3 vòng), cần theo dõi chặt chẽ triệu chứng an thần quá mức ở những bệnh nhân dùng phối hợp này.
Ảo giác/hội chứng giống rối loạn tâm thần: Xem xét ngưng điều trị với tizanidin ở những bệnh nhân có chứng ảo giác.
Tá dược: Chế phẩm có chứa tá dược lactose. Bệnh nhân có vấn đề về di truyền hiếm gặp không dung nạp galactose, thiếu hụt Lapp lactase hoặc kém hấp thu glucose – galactose không nên dùng thuốc này.
Ảnh hưởng của thuốc đối với công việc: Bệnh nhân nếu cảm thấy buồn ngủ, chóng mặt, hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của tụt huyết áp thì nên ngưng các hoạt động yêu cầu mức độ tỉnh táo cao như lái xe hoặc vận hành máy móc.
10. Dùng cho phụ nữ có thai và cho con bú
Đối với phụ nữ mang thai
Phụ nữ có khả năng mang thai nên thử thai trước khi điều trị với tizanidin và sử dụng biện pháp tránh thai hiệu quả trong thời gian cho đến 1 ngày sau điều trị và khi ngưng điều trị với tizanidin. Cho đến nay, ít có kinh nghiệm về việc dùng tizanidin ở phụ nữ mang thai.
Các nghiên cứu trên động vật cho thấy tăng tỷ lệ tử vong trước và trong giai đoạn sinh nở ở liều độc cho mẹ.
Chưa có các nghiên cứu có đối chứng ở phụ nữ mang thai, vì vậy chỉ nên dùng thuốc trong thai kỳ nếu lợi ích vượt trội hơn nguy cơ.
Đối với phụ nữ cho con bú
Mặc dù chỉ có một lượng nhỏ tizanidin bài tiết qua sữa mẹ nhưng không nên dùng thuốc này cho phụ nữ cho con bú.
11. Ảnh hưởng của thuốc Muslexan 4 lên khả năng lái xe và vận hành máy móc.
Bệnh nhân nếu cảm thấy buồn ngủ, chóng mặt, hoặc có bất kỳ dấu hiệu nào của tụt huyết áp thì nên ngưng các hoạt động yêu cầu mức độ tỉnh táo cao như lái xe hoặc vận hành máy móc.
12. Quá liều và cách xử trí
Triệu chứng
Dữ liệu lâm sàng còn hạn chế, trong 1 trường hợp bệnh nhân người lớn dùng 400 mg tizanidin, hồi phục hoàn toàn khi được dùng manitol và furosemid để giải độc.
Triệu chứng quá liều bao gồm buồn nôn, nôn, tụt huyết áp, nhịp tim chậm, kéo dài khoảng QT, chóng mặt, co đồng tử, bồn chồn, buồn ngủ, suy hô hấp, hôn mê.
Cách xử trí
Các biện pháp hỗ trợ được chỉ định và thực hiện các biện pháp để loại bỏ nhanh tizanidin khỏi đường tiêu hóa: rửa dạ dày hoặc sử dụng than hoạt tính với liều cao lặp lại hoặc dùng thuốc lợi tiểu mạnh. Đồng thời điều trị triệu chứng cho bệnh nhân.
13. Bảo quản
Bảo quản thuốc Muslexan 4 ở nhiệt độ dưới 30 độ C ở nơi khô ráo, tránh ẩm.
Không để thuốc tiếp xúc với ánh nắng mặt trời.
Không dùng thuốc Muslexan 4 quá hạn ghi trên bao bì.
14. Mua thuốc Muslexan 4 ở đâu?
Hiện nay, Muslexan 4 là thuốc kê đơn, vì vậy bạn cần nói rõ các triệu chứng của bệnh nhi để được nhân viên y tế tư vấn và hỗ trợ. Thuốc có bán tại các bệnh viện hoặc các nhà thuốc lớn.
Mọi người nên tìm hiểu thông tin nhà thuốc thật kỹ để tránh mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng, ảnh hưởng đến quá trình điều trị.
Nếu mọi người ở khu vực Hà Nội có thể mua thuốc có sẵn ở nhà thuốc Thanh Xuân 1 - địa chỉ tại Số 1 Nguyễn Chính, phường Tân Mai, quận Hoàng Mai, Hà Nội. Ngoài ra, mọi người cũng có thể gọi điện hoặc nhắn tin qua số hotline của nhà thuốc là: 0325095168 hoặc nhắn trên website nhà thuốc để được nhân viên tư vấn và chăm sóc tận tình.
15. Giá bán
Giá bán thuốc Muslexan 4 trên thị trường hiện nay dao động trong khoảng tùy từng địa chỉ mua hàng và giá có thể giao động tùy thời điểm. Mọi người có thể tham khảo giá tại các nhà thuốc khác nhau để mua được thuốc đảm bảo chất lượng và giá thành hợp lý nhất.
“Những thông tin trên chỉ mang tính chất tham khảo, mọi người nên đến thăm khám và hỏi ý kiến bác sĩ có kiến thức chuyên môn để sử dụng an toàn và hiệu quả.”